Thành phố Hải Dương là trung tâm kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, khoa học, y tế, dịch vụ của tỉnh Hải Dương, nằm trong vùng thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố Hải Dương hiện là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.
1. Vị trí địa lý:
Thành phố Hải Dương là thành phố trực thuộc tỉnh nằm ở trung tâm của tỉnh Hải Dương, cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách thành phố Hải Dương 45 km về phía Tây. Thành phố Hải Dương là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, klhu vực, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
• Phía bắc giáp huyện Nam Sách;
• Phía đông giáp các huyện Kim Thành, Thanh Hà;
• Phía tây giáp huyện Cẩm Giàng;
• Phía nam giáp huyện Gia Lộc;
• Phía đông nam giáp huyện Tứ Kỳ.
Điểm cực
• Cực bắc nằm ở phường Ái Quốc;
• Cực tây nằm ở phường Tứ Minh;
• Cực nam nằm ở xã Ngọc Sơn;
• Cực đông nằm ở xã Quyết Thắng.
2. Điều kiện tự nhiên
Thành phố Hải Dương có quy mô diện tích là 111,64 km².
Quy mô dân số toàn đô thị là 508.190 người (2018).
3. Hành chính lãnh thổ:
* Thành phố Hải Dương hiện có 25 đơn vị hành chính cấp xã gồm 19 phường và 06 xã.
- Các phường: Ái Quốc, Bình Hàn, Cẩm Thượng, Hải Tân, Lê Thanh Nghị, Nam Đồng, Ngọc Châu, Nguyễn Trãi, Nhị Châu, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Tân Bình, Tân Hưng, Thạch Khôi, Thanh Bình, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Tứ Minh, Việt Hòa
- Các xã: An Thượng, Gia Xuyên, Liên Hồng, Ngọc Sơn, Quyết Thắng, Tiền Tiến.
4. Về phát triển kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng của thành phố luôn ở mức 14 - 18%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở mức 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2018.
Thành phố Hải Dương là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh, đồng thời là một trong những trung tâm về công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.Thành phố Hải Dương hiện là 1 đô thị trong vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với các thành phố Thái Nguyên, Việt Trì, thành phố Hải Dương sẽ được đầu tư để trở thành một trong 3 đô thị cấp trung tâm vùng (đô thị cấp 1) và là một trung tâm công nghiệp của toàn vùng.
Sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng về không gian và kết cấu hạ tầng đô thị đã tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP Hải Dương đóng góp tỉ trọng lớn trong GDP chung của tỉnh với mức tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm liền đều đạt bình quân hơn 14%/năm, nằm trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực. Trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố, công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Hiện tại, ngành công nghiệp - xây dựng đã chiếm tỷ lệ 55,5%; thương mại dịch vụ 40,3%; nông nghiệp thuỷ sản chỉ còn 4,2%. TP đã quy hoạch xây dựng được 30 điểm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với 5.800 hộ kinh doanh.
Thành phố có 03 Khu Công nghiệp: Đại An (603,82 ha), Nam Sách (60,2 ha), An Phát (123 ha), và 04 Cụm công nghiệp (Thạch Khôi, Ngô Quyền, Cẩm Thượng - Việt Hòa, Ba Hàng).
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Dương đã và đang hình thành một số khu đô thị lớn, cao cấp như: khu đô thị Tuệ Tĩnh, khu đô thị Nam thành phố Hải Dương, khu đô thị Tân Phú Hưng, khu đô thị Phú Quý, khu đô thị Thạch Khôi, khu đô thị Việt Hòa, khu đô thị Nam cầu Hàn, làng Việt kiều Âu Việt, khu đô thị Eco River,...
5. Một số mốc thời gian về sự phát triển của thành phố:
- Năm 1804: tên gọi Thành đông được hình thành;
- Ngày 26/8/1938, tại số nhà 17, phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái), chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tiền thân Đảng bộ thành phố Hải Dương được thành lập;
- Ngày 06/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại III.
- Ngày 30/10/2004, Đảng bộ và nhân dân thành phố vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
- Ngày 30/10/2007, thành phố Hải Dương long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố và đón nhận Huân chương Độc lập hạng III.
- Ngày 15/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hải Dương.
- Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.
6. Đặc sản của thành phố Hải Dương:
Đặc sản thành phố Hải Dương có thể kể đến như: Bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn, Cốm làng Thạc (An Châu).
7. Danh sách lãnh đạo Thường trực Thành ủy và UBND thành phố:
- Đồng chí Lê Đình Long, sinh năm 1966, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương;
- Đồng chí Trần Việt Hưng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy;
- Đồng chí Trần Hồ Đăng, sinh năm 1970, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố;
- Đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, sinh năm 1977 Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố;
- Đồng chí Tăng Văn Quản, sinh năm 1968, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
- Đồng chí Đặng Thu Hà, sinh năm 1970, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố.